18/04/2012 15:38 GMT+7

Y, bác sĩ: vừa thiếu vừa lãng phí

BS Hồ Thị Kim Sương (kimsuong50@...)
BS Hồ Thị Kim Sương (kimsuong50@...)

TTO - Bệnh viện các tuyến đang thiếu bác sĩ, trong khi có chủ trương giảm tải tuyến trên bằng cách chuyển đổi thẻ BHYT từ tuyến tỉnh về cơ sở. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến đa chiều

Khắp nơi thiếu bác sĩĐầu tư bệnh viện quận, huyện để giảm tải

Lãng phí bác sĩ

Đọc nội dung "Tuyến nào cũng thiếu" tôi muốn viết lên tâm tư của mình lâu nay là: nước ta còn lãng phí nhân lực trí thức quá.

Sau khi được đào tạo sáu năm ở trường ĐH y khoa, công tác khoảng 30 năm thì đến tuổi về hưu (đó là chưa kể học sau đại học).

Ở tuổi 55 như phụ nữ chúng tôi, quả là lãng phí khi mà nhiều bác sĩ nữ vẫn còn khỏe, còn minh mẫn, có nhiều kinh nghiệm, ít vướng bận con cái và vẫn còn đầy nhiệt huyết muốn được cống hiến hơn nữa... Nhưng vẫn phải ngậm ngùi ra về để trả chỗ cho người trẻ, đó là quy luật tất yếu.

Tuy nhiên, nếu các bệnh viện đã đủ, thậm chí thừa bác sĩ thì sự ra đi đó không có gì đáng bàn. Đằng này như báo chí đăng tải là "tuyến nào cũng thiếu"... Đọc mà thấy buồn cho sự lãng phí kiến thức của trí thức.

Bản thân tôi tốt nghiệp trường ĐH y năm 1974 thì được về công tác tại Bệnh viện Việt Đức. Sau 10 năm công tác tôi được cử đi học sau đại học tại CHDC Đức sáu năm. Năm 1990, tôi lại về công tác trong ngành của mình là phẫu thuật tiết niệu, đến năm 2005 thì đủ tuổi về hưu. So sánh thời gian học tập và đào tạo thêm với thời gian cống hiến mới thấy quả là lãng phí...

Tôi nghĩ nếu phụ nữ làm các công việc nặng nhọc hoặc trong các ngành độc hại thì 55 tuồi về hưu là thỏa đáng.

Còn với những người lao động trí óc được đào tạo lâu thì nên kéo dài thời gian phục vụ.

Tất nhiên khi đến tuổi này, chị nào muốn về hưu thì về, chị nào muốn làm thêm thì Nhà nước nên tận dụng (không phải là ép buộc). Nếu như hồi tôi 55 tuổi mà được khuyến khích làm thêm thì tôi đã sẵn sàng.

Ngoài ra, với các cán bộ ngành y tế, bưu điện ở vùng sâu vùng xa, nên để cho họ được hưởng mức lương cao hơn những người làm ở các thành phố.

Khi đó sẽ có những người sẵn sàng trở về quê hương hoặc những người tâm huyết sẵn sàng về vùng sâu vùng xa...

d7YoYZaD.jpgPhóng to

Mỗi khi bệnh nhân đến quá đông, BS Nguyễn Quang Bộ, giám đốc Bệnh viện huyện Đakrông (Quảng Trị), phải tham gia khám bệnh như thế này - Ảnh: Quốc Nam

Cần những giải pháp trước mắt

Bác sĩ Phan Xuân Trung cho rằng: "Trước khi có được giải pháp lâu dài là tăng cường đào tạo bác sĩ chính quy, cần có các giải pháp tình thế".

- Đào tạo hệ y sĩ, ba năm. Các y sĩ này hoàn toàn có thể đảm trách các công việc khám chữa bệnh thông thường, phụ trách trạm y tế phường xã, y tế cơ quan, y tế học đường...

- Mời gọi các tu sĩ như masơ, ni cô, tổ chức thiện nguyện... tham gia chăm sóc bệnh nhân. Đây là lực lượng mang tình yêu thương “thứ thiệt” đến cho bệnh nhân. Đây cũng là lực lượng cải tạo hình ảnh thiếu y đức của bệnh viện.

- Cần đào tạo nhân sự quản trị bệnh viện cho các vị trí: kế hoạch tổng hợp, phòng nhân sự... thay thế cho các bác sĩ có tay nghề y khoa cao mà phải làm công việc hành chính.

- Cần phân biệt giữa y khoa và y tế. Y khoa là lĩnh vực khám, chữa bệnh trực tiếp cho bệnh nhân. Y tế là những công việc thuộc phòng bệnh, chống dịch, an toàn thực phẩm... cho cộng đồng.

Hệ thống trạm y tế hiện nay chiếm một số lượng bác sĩ nhưng hoạt động khám chữa bệnh ít hiệu quả, nhất là các thành phố lớn. Nên giao công việc y tế cho nhân sự y sĩ, kỹ thuật viên... Rút lực lượng bác sĩ từ trạm y tế và phòng chống dịch lên bù cho tuyến trên. Trừ những trường hợp khu vực vùng sâu, vùng xa mà trạm y tế hầu như là nguồn tiếp cận dịch vụ y tế duy nhất thì nên có bác sĩ ở đó.

- Hiện nay có một số đơn vị ngoài ngành y tế đang thuê mướn bác sĩ làm việc. Các bác sĩ này không sử dụng kiến thức y khoa của mình để khám chữa bệnh mà làm công việc kinh doanh như giới thiệu thực phẩm chức năng, bán bảo hiểm nhân thọ... Cần có biện pháp cấm các đơn vị này sử dụng lao động là bác sĩ.

- Các vị trí đọc điện tim, điện não, X-quang... nên giao cho y sĩ đọc trước để lọc các trường hợp bình thường và trình bác sĩ khi gặp trường hợp nghi ngờ có bệnh.

- Khuyến khích các mô hình khám tư nhân, khám ngoài giờ. Bệnh nhân có thể chọn bác sĩ gần nhà, thân tín để khám vào những giờ thuận tiện nhất và vì vậy sẽ giảm bớt bệnh nhân đến khám nhà nước.

- Những bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp thì nên kê đơn dài hạn để tránh bệnh nhân tái khám nhiều lần.

- Tăng cường bác sĩ khám đa khoa: tất cả bác sĩ đều đã được đào tạo qua hệ đa khoa, vì vậy bác sĩ bất kể chuyên khoa nào cũng có thể xử lý bệnh thông thường. Cần bố trí cho bác sĩ khám đa khoa cho đến khi gặp bệnh chuyên khoa thì mới chuyển chuyên khoa. Tránh tình trạng một số bác sĩ ngồi không và số khác thì làm không hết việc.

- Một hệ thống CNTT bệnh viện hoàn chỉnh sẽ tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân và bệnh viện đáng kể. Tại khoa khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai trước đây bệnh nhân chờ đến 8g tối vẫn chưa xong thủ tục, sau khi ứng dụng mạng máy tính, khoảng 4g30 đã vắng người mặc dù khu vực tiếp nhận, viện phí, BHYT đã giảm bớt tám nhân sự.

- Các chỉ định, kê đơn... được lập trình sẵn và được thực hiện chỉ trong một cú gõ enter.

- Sử dụng chuyên gia chẩn đoán từ xa: các bệnh viện vùng xa có thể trang bị máy chụp X-quang, CT nhưng không có chuyên viên về chẩn đoán hình ảnh. Dùng telemedicine để gửi các phim chụp qua Internet đến các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh để trả lời kết quả. Tại các nước tiên tiến mô hình này phát huy hiệu quả thấy rõ.

- Giám sát dịch bệnh bằng mạng lưới thông tin qua Internet mang lại hiệu quả cao hơn so với cách làm hiện nay là báo cáo giấy và điện thoại. Do vậy, sẽ giảm được nhân sự là bác sĩ tại các đơn vị phòng chống dịch.

Tóm lại, tất cả các giải pháp trên đây đều nhằm đưa bác sĩ y khoa trở về đúng vị trí khám chữa bệnh của mình.

Nên luân chuyển y bác sĩ về cơ sở

978d4LAa.jpgPhóng to
Bệnh nhân đến đăng ký khám và điều trị bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM - Ảnh tư liệu

* Tăng chất lượng nguồn nhân lực

Đúng là thực trạng hiện nay rất nhiều bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện đều thiếu bác sĩ chứ chưa nói đến các bệnh viện chuyên khoa sâu, bệnh viện các ngành, các viện nghiên cứu, các trung tâm y tế dự phòng, y tế xã...

Là một cán bộ công tác khá lâu trong ngành, tôi càng thấy rõ hơn thực trạng này và cũng rất băn khoăn, trăn trở về vấn đề này.

Nguyên nhân thì có rất nhiều - xin miễn bàn thêm, tôi xin mạo muội góp ý, đề xuất một số giải pháp sau:

1. Chính phủ nên có một quyết định cho phép kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu của các bác sĩ đến 65 tuổi (tất nhiên là chỉ làm chuyên môn, không tham gia quản lý) vì đây là một nghề có đặc thù nghề nghiệp "thầy già, con hát trẻ" - như kinh nghiệm cha ông đã truyền lại.

2. Hằng năm, luân phiên điều động các bác sĩ tuyến trên (có giao chỉ tiêu cụ thể cho cơ sở) về hỗ trợ cho tuyến dưới với thời hạn 2 - 3 năm/đợt. Hết thời hạn đảm bảo chắc chắn được trở lại nơi đã cử đi để tiếp tục cập nhật, bổ sung, nâng cao kiến thức, tay nghề. Có phụ cấp thỏa đáng cho những bác sĩ được điều động đi tuyến.

3. Điều động và mạnh dạn giao cho các bác sĩ đã tốt nghiệp nội trú làm lãnh đạo các khoa chuyên môn theo ngành đào tạo ở các bệnh viện mới mở.

4. Bộ Y tế mở thêm các lớp đào tạo chuyên khoa sơ bộ hai năm (cho các chuyên khoa sâu - như trước đây) do các trường đại học y kết hợp với bệnh viện chuyên khoa hoặc bệnh viện đa khoa tuyến trung ương giảng dạy.

5. Tiếp tục mở các lớp đào tạo y sĩ ở các trường cao đẳng y tế. Mỗi khóa học 3 năm. Tùy theo nhu cầu cụ thể từng vùng có thể mở một năm một khóa hoặc hai năm một khóa (y sĩ được đào tạo tốt, yêu nghề, ổn định, an tâm công tác còn tốt hơn bác sĩ bị bắt buộc phân công về tuyến dưới).

6. Tiếp tục đào tạo chuyên tu từ y sĩ lên bác sĩ (hiện nay đã tăng cường) nhưng giảm thời gian đào tạo chỉ còn ba năm (thay vì bốn năm như hiện nay).

* Luân chuyển cán bộ y tế

Vấn đề là Bộ Y tế phải làm sao nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở, phải có trang thiết bị đầy đủ và đội ngũ y, bác sĩ chất lượng. Hầu hết các bác sĩ, ai cũng có xu hướng làm việc tại tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương. Vậy tuyến cơ sở ai là người chịu về đây để làm trong khi những nơi này là nơi đầu tiên mà người bệnh đến và là nơi cần thiết tạo niềm tin cho người bệnh.

Do thừa bệnh nhân

Phải nói là khắp nơi dư thừa bệnh nhân mới đúng. Khi mà ở đâu cũng thấy thực phẩm độc hại, môi trường ô nhiễm và phần lớn dân chúng nghèo không đủ điều kiện phòng bệnh cho mình.

Tại sao chúng ta không luân chuyển nơi công tác của đội ngũ y bác sĩ để tạo sự công bằng và tuyến cơ sở cũng có những bác sĩ giỏi làm việc?

Điều này tôi nghĩ phải có sự làm việc mạnh tay từ bộ trưởng Bộ Y tế để thay đổi suy nghĩ của đội ngũ y, bác sĩ không còn phân biệt tuyến trung ương, tuyến tỉnh hay tuyến cơ sở. Cho dù ở đâu đi nữa mục đích cũng là khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

* Đầu tư hơn nữa cho tuyến dưới

Theo tôi, nếu bộ trưởng Bộ Y tế giải quyết được hai vấn đề căn bản này thì người dân sẽ tự ở lại tuyến dưới để chữa bệnh, đó là nhân lực và cơ sở vật chất.

+ Nhân lực: nếu không đủ cho tuyến dưới (bác sĩ giỏi và có kinh nghiệm) thì ngành y tế (phải như ngành xây dựng) bắt buộc và tạo điều kiện để những bác sĩ giỏi và có chuyên môn đi xuống những bệnh viện tuyến dưới hướng dẫn và đào tạo cho đến khi nào họ thực vững. Và đương nhiên lương bổng, phụ cấp, chính sách phải được các cơ quan y tế các cấp có chính sách hỗ trợ.

+ Cơ sở vật chất: nếu muốn tuyến dưới làm tốt nhiệm vụ thì tuyến trên phải chia sẻ và hỗ trợ.

BS Hồ Thị Kim Sương (kimsuong50@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên